Câu chuyện của chị Vinh

Tín dụng vi mô góp phần cải thiện thu nhập cho các hộ kinh doanh cá thể.

Chị Vinh mở cửa hàng may mặc thời trang ở huyện Hoài Đức, Hà Nội. Đến thời điểm này, hai vợ chồng chị đã có khả năng trang trải cuộc sống cho gia đình. Anh chị có hai đứa con nhỏ, con trai 11 tuổi và con gái 5 tuổi.

Chị Vinh mở cửa hàng từ năm 2003, nhưng trong suốt 10 năm đầu, việc kinh doanh của gia đình gặp nhiều khó khăn. Cửa hàng của chị thì xuống cấp và cũng chẳng có mấy khách hàng.

Năm 2013, chị vay tiền anh em, ngân hàng để nâng cấp cửa hàng và mua thêm bảy chiếc máy may. Sau khi ký hợp đồng với một công ty may mặc, chị đã thuê thêm năm thợ để may hàng gia công. Nhưng do không kiểm soát được chi phí nên chị rất vất vả để duy trì công việc làm ăn.

Chị Vinh lúc đó chưa từng được tập huấn về phát triển kinh tế hộ gia đình, còn thợ của chị cũng không được đào tạo bài bản, nên hàng họ làm ra thường bị hỏng, hoặc bị lỗi rất nhiều. Chị phải mất rất nhiều thời gian chỉ để sửa chữa lại hàng hỏng lỗi nên không còn thời gian để chăm sóc và tư vấn cho khách hàng đến may đo một cách chu đáo. Bởi vậy, dần dần chị đã mất hết khách quen, và công việc kinh doanh cũng không có lợi nhuận.

Trong thời gian dài, chị Vinh không đủ tiền để trang trải các chi phí thường xuyên như lương cho công nhân và tiền điện thoại. Ngoài ra, chị còn phải xoay xở để trả cho các khoản vay nợ nữa.

Áp lực đó đã ảnh hưởng đến hôn nhân và gia đình của chị. Mâu thuẫn giữa chị và chồng thường xuyên xảy ra khi chị quá bận rộn với công việc và dành ít thời gian chăm sóc con cái. Mặc dù vất vả, nhưng thu nhập của gia đình chị luôn ở mức khó khăn trong địa phương, với khoảng 110 ngàn đồng mỗi ngày (hơn 3 triệu đồng/tháng).

Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi chị quyết định tham gia vào Nhóm tín dụng vi mô thuộc dự án Phát triển kinh tế hộ gia đình do Tổ chức Thanh niên với Sứ mệnh tại Việt Nam đang thực hiện tại địa phương mình.

Năm 2014, chị đã tham gia Nhóm tín dụng vi mô do dự án của Tổ chức Thanh niên với Sứ mệnh tại Việt Nam thành lập tại địa phương nơi chị sinh sống.

Tổ chức Thanh niên với Sứ mệnh tại Việt Nam cùng với lãnh đạo địa phương kêu gọi các gia đình khó khăn trong cộng đồng cùng tham gia, để họ có cơ hội học hỏi và được hỗ trợ hướng dẫn về phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhóm này thường họp ba tháng một lần để trao đổi và chia sẻ cũng như hỗ trợ nhau.

Những ngày đầu tham gia dự án, chị Vinh đã được dự các khóa tập huấn về Quản trị gia đình, Quản lý vốn vay hiệu quả, Bán hàng và tiếp cận thị trường, cũng như Kỹ năng Giao tiếp đàm phán.

Sau đợt tập huấn, chị Vinh nhận ra rằng, chị chỉ có thể kinh doanh tốt khi tập trung vào một thứ. Chị đã quyết định tập trung vào làm may hàng thời trang và phục vụ khách may đo tại địa phương. Với quyết định này, cũng như những gì chị học được từ các đợt tập huấn của dự án, chị đã vạch ra kế hoạch kinh doanh riêng cho mình. Kế hoạch kinh doanh của chị được Tổ chức Thanh niên với Sứ mệnh tại Việt Nam phê duyệt, và chị Vinh đã được giải ngân vay vốn là 10 triệu đồng. Nguồn vốn này được đầu tư để mua thêm vải, chị cũng đã tự học hỏi những xu hướng thời trang mới để khách hàng của chị có nhiều mẫu mã thời trang để lựa chọn hơn.

Tháng 6 năm 2016, chị Vinh đã tham gia chuyến đi thăm quan học tập do Tổ chức Thanh niên với Sứ mệnh tại Việt Nam tài trợ. Chị và các hộ sản xuất kinh doanh khác trong địa phương đã thăm các mô hình kinh doanh thành công ở tỉnh bạn, trong đó có một cơ sở sản xuất mỳ Chũ. Ông chủ cơ sở sản xuất mỳ Chũ đã chia sẻ với đoàn về chiến lược kinh doanh và cách quản lý một hộ sản xuất kinh doanh thành công. Ông chủ này còn chia sẻ với đoàn về những thách thức kinh doanh trong khu vực địa phương và cách tiếp cận thị trường trong những điều kiện khác nhau.

Với một người như chị Vinh hiếm khi ra khỏi địa phương thì chuyến đi này đã giúp chị thức tỉnh trong tư duy phát triển kinh tế hộ gia đình và cách tiếp cận thị trường ở Việt Nam.

Là thành viên của Nhóm tín dụng vi mô, rồi tham dự các khóa tập huấn về Phát triển kinh tế hộ gia đình, cũng như được chứng kiến các hộ khác trong địa phương phát triển kinh tế đã giúp chị Vinh tự tin hơn trong cách hạch toán kinh doanh của mình.

Trước đây, chị tự mình vật lộn với việc kinh doanh manh mún để nuôi sống gia đình. Hiện giờ, chị đã quản lý công việc kinh doanh hiệu quả hơn, và cuộc sống gia đình chị đã có nhiều thay đổi.

Hiện nay, sau ba năm thay đổi phương thức kinh doanh, cửa hàng may mặc thời trang của chị Vinh đã có một diện mạo hoàn toàn mới. Chị đã có thêm nhiều khách hàng khác tới cửa hàng của chị. Hiện tại, điều kiện và thời gian làm việc của chị đã được cải thiện nhiều, thu nhâp bình quân gia đình tăng lên 330 ngàn đồng/ ngày (tương đương 10 triệu đồng/ tháng). Với thu nhập này, chị Vinh có đủ tiền để trang trải chi tiêu gia đình, nuôi dạy con cái và tiếp tục đầu tư vào phát triển kinh doanh.

Chị Vinh là một mô hình điển hình của dự án mà Tổ chức Thanh niên với Sứ mệnh tại Việt Nam đang triển khai. Dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có nhiều người nghèo khó đang rất chăm chỉ làm ăn, thì cơ hội học hỏi về Phát triển kinh tế hộ gia đình, giao lưu sinh hoạt nhóm, cũng như tiếp cận nguồn vốn vay của dự án, cùng với sự nỗ lực của chính các hộ gia đình, chắc chắn họ sẽ thoát nghèo thành công.

Ảnh: Sharing Dots

Pin It on Pinterest

Share This